Chỉ trong 3 ngày (từ 3.8 đến 5.8), các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu (BVĐK tỉnh) đã thực hiện 3 ca phẫu thuật lấy sỏi thận san hô. Đây là loại sỏi rất phức tạp, chiếm hết đài bể thận. Điểm đáng chú ý là loại sỏi này thường được hình thành trong thời gian khá dài.
Cách đây 5 năm, bà Lê Thị Mẫu (60 tuổi, ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) phát hiện bị sỏi thận. Thế nhưng, trong 3 bệnh nhân vừa được phẫu thuật lấy sỏi thận san hô tại BVĐK tỉnh, bà Mẫu là người có thời gian mang sỏi ngắn nhất, hai người còn lại đều trên 10 năm.

Bác sĩ Hoàng Văn Khả thăm khám cho bệnh nhân Võ Thị Đồ.
Để lâu hóa sỏi san hô
Khi mới phát hiện, viên sỏi thận của bà Mẫu chỉ dài 7cm; sau đó tăng lên 2 viên, mỗi viên dài 8 cm. Sau khi uống một số loại thuốc dân gian, 2 viên sỏi nhập lại thành 1, ngày càng lớn dần, gây đau ở vùng thắt lưng nhưng bà vẫn cố chịu đựng. Cách đây 4 tháng, bà bị phù, căng da mặt, đi khám cho kết quả thận bị ứ nước độ I, nhưng vẫn không nhập viện điều trị. Đến khi thận ứ nước độ II thì bà đã hết sức, phải vào BVĐK tỉnh để được mổ.
Theo Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu Hoàng Văn Khả, biểu hiện của người bị sỏi san hô rất đa dạng, thường là đau lưng, có thể có sốt, tiểu ra máu, đau, bí tiểu... Sỏi lấp đầy các đài bể thận gây ứ nước, dễ dẫn đến nhiễm trùng niệu, phá hủy dần nhu mô thận. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị sỏi san hô mà không triệu chứng, hoặc rất ít đau. Như bệnh nhân Võ Thị Đồ (48 tuổi, ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), phát hiện bị sỏi thận cách đây 10 năm nhưng không có cảm giác đau nhiều. “Nhà làm ruộng khó khăn, với lại chẳng đau đớn gì nên tui cố chịu. Gần đây bị sốt cao, nóng lạnh suốt ngày đêm nên mới phải đi mổ”, bà Đồ cho hay.
Trong khi đó, tình trạng tái phát sau mổ lấy sỏi thận cũng không phải hiếm. Cách đây 13 năm, bà Bùi Thị Hương (54 tuổi, ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) từng được mổ lấy sỏi thận ở Bệnh viện Quân y C13. Ngày 5.8 vừa qua, bà Hương lại phải trải qua ca mổ lấy sỏi thận tại BVĐK tỉnh. Sỏi thận được lấy ra lần này thuộc loại sỏi san hô bán phần, gồm một khối sỏi đa nhánh và nhiều viên sỏi nhỏ khớp với nhau.  

Sỏi san hô lấy ra từ thận của bệnh nhân Bùi Thị Hương.
Điều trị phức tạp
Đối tượng dễ mắc bệnh sỏi thận là người làm việc nặng nhưng ít uống nước hay uống nước không đều đặn, có tiền sử bị sỏi thận, người dân sống ở vùng có nguồn nước cứng
 
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, sỏi thận chiếm khoảng 40% số ca bệnh lý tiết niệu; sỏi san hô chiếm khoảng 5% số ca sỏi thận. Đối tượng dễ mắc bệnh sỏi thận là người làm việc nặng nhưng ít uống nước hay uống nước không đều đặn, có tiền sử bị sỏi thận, người dân sống ở vùng có nguồn nước cứng… Tuy là mặt bệnh hiếm gặp, nhưng sỏi san hô thường để lại hậu quả nặng nề, gây khó khăn cho công tác điều trị.
So với sỏi thận thông thường, phẫu thuật lấy sỏi san hô phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Điển hình, với trường hợp bệnh nhân Hương, phẫu thuật viên phải mở bể nhu mô đài thận dưới, kết hợp mở nhỏ ở nhu mô đài thận ở vị trí mỏng nhất. Để lấy hết sỏi, cần phải cắt các nhánh của viên sỏi cắm vào các đài thận. Trong khi đó, với sỏi bình thường không cần mở nhu mô, chỉ cần mở bể thận.
“Nguyên tắc quan trọng của mổ sỏi thận san hô là bảo toàn nhu mô được bao nhiêu thì sẽ tốt cho chức năng thận sau mổ bấy nhiêu. Bên cạnh bảo tồn tối đa nhu mô thận, phẫu thuật lấy sỏi san hô phải đảm bảo 3 yêu cầu khác: lấy hết sỏi; hạn chế chảy máu (động mạch thận nằm sát động mạch chủ nên rất dễ chảy máu ào ạt); hạn chế các tai biến, biến chứng như thương tổn các tạng khác, dò nước tiểu, nhiễm trùng…”, bác sĩ Khả phân tích.

Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN TRANG

Tác giả bài viết :

Nguồn tin :