Theo Bộ Y tế, trước khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em, cha mẹ phải theo dõi sức khỏe của trẻ, đảm bảo ăn ngủ, sinh hoạt bình thường, chỉ nên đưa trẻ đi tiêm khi trẻ thực sự khỏe mạnh.

Hãy cho trẻ ăn như bình thường, bao gồm: Nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và protein nạc. Thực phẩm chống viêm như súp gà, thực phẩm được chế biến với nghệ… có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng sau tiêm chủng. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể vào ngày tiêm phòng giúp chống lại sự mệt mỏi và đau nhức cơ bắp.

Đặc biệt không để bụng đói trước khi tiêm gây chóng mặt, ngất xỉu. Đồng thời, khi đưa trẻ tới điểm tiêm, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2. 

Khi trẻ đến bàn tiêm và gặp cán bộ y tế, phụ huynh cần chia sẻ kỹ lưỡng tất cả thông tin về tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, những biểu hiện bệnh mạn tính trước đó của con với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Trong quá trình tiêm chủng, cha mẹ cũng cần tương tác với cán bộ y tế để biết trẻ được tiêm vắc xin gì và lắng nghe tư vấn theo dõi phản ứng sau tiêm.

Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin Covid-19. Không nên uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C thì cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, nách, bẹn, cho trẻ uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 giờ, cần đến cơ sở y tế gần nhất. Sau khi tiêm, trẻ nên nghỉ học 1 - 2 hôm ở nhà nghỉ ngơi nếu đang trong thời gian đi học. Đồng thời, bổ sung nước, nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, vitamin A. Ngoài ra, không ăn nhiều chất béo bão hòa như thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng... Không chà xát vào vị trí tiêm. Hạn chế vận động mạnh sau tiêm.

Tác giả bài viết : MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn tin : Báo Bình Định online