Theo dõi và chăm sóc bệnh Tay - Chân - Miệng

    Chiều ngày 17 tháng 10 năm 2018, tại hội trường, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã tổ chức đào tạo cho các bác sỹ, điều dưỡng của khoa Khám bệnh, khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi ở Bệnh viện Đa khoa và các bác sỹ, điều dưỡng khu Mở rộng về việc theo dõi và chăm sóc bệnh Tay - Chân - Miệng.

    Mở đầu buổi tập huấn, ĐDCK I. Trương Thị Hương đã giới thiệu khái quát đại cương về bệnh Tay - Chân - Miệng là Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

    Đường lây chủ yếu theo đường tiêu hoá và tiếp xúc trực tiếp. Nguồn lây: chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Đối tượng: gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

    Tiếp đến, ĐDCK I. Trương Thị Hương tiếp tục giới thiệu về triệu chứng lâm sàng của bệnh Tay – Chân – Miệng, các biến chứng, các bước theo dõi chăm sóc bệnh Tay – Chân – Miệng (gồm 4 cấp độ). Các bước phòng bệnh Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn. Phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Phòng bệnh tại các cơ sở y tế và phòng bệnh ở cộng đồng.

    Buổi tập huấn đã kết thúc vào cuối giờ chiều cùng ngày.

    Một số hình ảnh của buổi tập huấn:

Tác giả bài viết : Phan Hữu Quang

Nguồn tin : Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định