Phòng và điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ

    Hiện nay, thời tiết thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển ở trẻ dưới 5 tuổi. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tháng tuổi là nhóm có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.

    Viêm phổi do rất nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp là viêm phổi thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất... Trẻ em có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng; trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá của người lớn; trẻ đi học mẫu giáo hay nhà trẻ, nơi đông người là những đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi cao.

    Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, cho biết:  “Trẻ bị viêm phổi có biểu hiện ban đầu là sốt, ho khan, chảy mũi nước, mệt mỏi sau đó ho có đàm, thở nhanh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ sẽ có những dấu hiệu nặng hơn như: Tím tái da niêm mạc, thở rút lõm lồng ngực, co kéo cơ liên sườn, phập phồng cánh mũi, thở rên… dễ dẫn đến tử vong, đặc biệt trẻ dưới 12 tháng tuổi”.

    Đáng chú ý, phải uống đủ liều bác sĩ kê cho trẻ, kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Bác sĩ kê men vi sinh cho trẻ sử dụng khi dùng một số loại kháng sinh dễ gây tiêu chảy. Trong quá trình điều trị cho trẻ cần vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Hạ sốt nếu trẻ sốt trên 380 C. Giảm ho bằng cách dùng các loại siro ho thảo dược không có chống chỉ định, có thể giúp dễ chịu hơn.

    Để phòng bệnh, cần nâng cao sức đề kháng của trẻ thông qua việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Cần cải thiện môi trường sống, nhà ở phải thoáng mát, thường xuyên vệ sinh nhà sạch sẽ, không để trẻ tiếp xúc môi trường có khói thuốc. Nếu trẻ đã biết súc miệng, thì cho trẻ súc họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ nước muối sinh lý sau khi tiếp xúc với khói bụi ngoài đường, cần mang khẩu trang cho trẻ khi đi đường. Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt chú ý các mũi tiêm phòng lao, sởi, HiB, phế cầu, cúm.

Tác giả bài viết : Thu Phương (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn tin : Báo Bình Định Online