Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh T., 39 tuổi (1984) và anh Nguyễn Văn D., 50 tuổi (1973) bị hiếm muộn được 7 năm, đã đi điều trị hiếm muộn ở một số nơi nhưng không có kết quả. Nguyên nhân hiếm muộn đến từ cả hai vợ chồng, chị thì bị dự trữ buồng trứng thấp (AMH= 2.1), chồng chị bị tinh trùng yếu. Khi nghe tin tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định có đơn vị Hỗ trợ sinh sản, điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm được thuận tiện hơn nên đã thôi thúc vợ chồng anh chị quyết định thực hiện thêm lần nữa với hy vọng được làm mẹ như bao người phụ nữ khác.

Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm theo yêu cầu của một cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, chị T. được bắt đầu tiến hành kích thích buồng trứng để làm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Chị T. đã được chọc hút trứng vào tháng 07/2023. Bác sỹ đã chọc hút được 08 trứng và tạo được 06 phôi. Ngày 30/9/2023 chị T. được chuyển 01 phôi vào buồng tử cung. Kết quả thật bất ngờ, sau 12 ngày chuyển phôi chị T. đi xét nghiệm định lượng bêta-hCG đạt 98,75mIU/ml, chứng tỏ chị đã có thai. Từ đây, các bác sĩ khoa Hỗ trợ sinh sản đã bắt đầu lên kế hoạch dưỡng thai và theo dõi sát tình trạng thai nghén của chị T.

Đây là một trong những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi nhất mà khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã tiếp nhận và điều trị thành công ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên. Nhận được kết quả không chỉ gia đình bệnh nhân mà tập thể nhân viên khoa Hỗ trợ sinh sản đều vui mừng phấn khởi. Xin chúc mừng gia đình chị T. và anh D. Đây là động lực để tập thể khoa Hỗ trợ sinh sản tiếp tục đồng hành cùng các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trên con đường tìm kiếm con yêu.

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể áp dụng hầu hết cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có nguyên nhân cả từ phía người vợ lẫn về phía người chồng. Người vợ bị tắc 2 vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn, kinh nguyệt không đều. Người chồng bị tinh trùng yếu, ít, dị dạng hoặc không có tinh trùng khi xuất tinh do tắc nghẽn đường dẫn tinh. Đôi khi một số trường hợp, người vợ hay người chồng sau khi xét nghiệm tầm soát nguyên nhân đều không tìm thấy nguyên nhân (vô sinh không rõ nguyên nhân) thì có thể áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để có thể đạt được ước mơ làm cha mẹ của mình. Hiện tại thành công của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại khoa Hỗ trợ sinh sản đã đạt tỷ lệ 42-44%.

Tác giả bài viết : Nguyễn Hữu Tiến

Nguồn tin : Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định