Ngày 26/06/1988, tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc, Ủy ban Quốc tế về Phòng chống Ma túy đã tổ chức một cuộc mít-tinh kéo dài hơn 2 giờ để kêu gọi mọi người tích cực phòng và chống sử dụng ma túy vì nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực khi dùng quá liều đối với sức khỏe con người. Kể từ đó, ngày 26/06 hàng năm, hầu hết các quốc gia đều theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc tổ chức các chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống Lạm dụng Ma túy.
Hưởng ứng ngày Quốc tế phòng chống ma túy của Liên Hợp Quốc, từ năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 26/6 hằng năm làm ngày “Toàn dân phòng chống ma túy”. Như vậy, song song với việc hưởng ứng thông điệp và chủ đề phòng chống, kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc, hằng năm Chính phủ phát động những tháng cao điểm phòng chống ma túy với nhiều hoạt động trên các lĩnh vực công tác phòng chống, kiểm soát ma túy, trong đó có chỉ đạo trọng tâm theo từng chủ đề của Liên Hợp Quốc đưa ra hằng năm.
Vấn đề buôn bán bất hợp pháp chất ma túy đang ngày càng tinh vi, phức tạp, có chiều hướng gia tăng và dần len lỏi vào cộng đồng. Nhất là môi trường học đường, đánh vào các em học sinh mới lớn bằng nhiều hình thức, gây rất nhiều khó khăn, bất cập cho quá trình ngăn chặn cũng như điều tra của các cơ quan chức năng. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sứa khỏe, tâm sinh lý người nghiện, nhiều người sử dụng ma túy dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, tại nạn giao thông làm chết nhiều người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây lo lắng, bất bình trong dư luận.
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, lưu thông, bảo quản, sử dụng các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện, hướng thần và tiền chất tại các cơ sở dược, các cơ sở y tế để kiểm soát tránh lạm dụng, thất thoát, thẩm lậu và sử dụng mục đích ngoài điều trị. Không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa ma túy theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm hạn chế phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy mới, giảm nguồn cầu về ma túy; Chú trọng tuyên truyền, vận động cho người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy chấp hành tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
Cần đổi mới tư duy nghiệp vụ, điều chỉnh phương thức hoạt động, phương pháp công tác, đổi mới chủ trương, đối sách cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, cần nhận thức rõ: phòng chống tội phạm ma túy trong xu thế hội nhập sẽ không thể áp dụng các biện pháp kiểm tra cấm đoán như trước đây; phòng chống tội phạm về ma túy phải phục vụ có hiệu quả cho hội nhập và phát triển, phải có cách ứng xử linh hoạt cả về nhận thức, tổ chức hoạt động và có đối sách với mục tiêu cao nhất, ngăn chặn không cho tội phạm ma túy lợi dụng cơ hội hoạt động.Thực tế cho thấy, tình hình tội phạm ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng và lan rộng, khó kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng, khó lường cho xã hội. Do vậy, để cho tội phạm ma túy không còn đất gây tội ác cần sự chung tay quyết liệt hơn nữa tất cả cộng đồng trong xã hội, đặc biệt là các gia đình. Cha mẹ cần phải quan tâm quản lý con cái mình, giáo dục con em mình hiểu được tác hại của ma túy để tránh xa.

(Nguồn ảnh Internet)
Tác giả bài viết : Thảo Nhi
Nguồn tin : Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định